Lợi được người anh em (06.9.2020 – Chúa Nhật 23 Thường niên, Năm A)
Mong sao mau đến ngày các Kitô hữu trên thế giới ngồi lại với nhau để dàn xếp những bất đồng và trở nên hiệp nhất như ý Chúa muốn.
Mong sao mau đến ngày các Kitô hữu trên thế giới ngồi lại với nhau để dàn xếp những bất đồng và trở nên hiệp nhất như ý Chúa muốn.
Một hôm, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.
Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.
Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”.
Suy niệm:
Trong cộng đoàn Hội Thánh,
các Kitô hữu là anh chị em của nhau (Mt 23,8)
và là anh chị em với Ðức Kitô
nhờ biết thi hành ý Cha trên trời (Mt 12, 48-50).
Thế nhưng Hội Thánh vẫn có người lỗi phạm.
Ðời sống của họ nghịch với đòi hỏi của đức tin.
Chúng ta không thể lạnh lùng
khi thấy anh em mình sa ngã,
bởi lẽ tất cả chúng ta làm nên một thân thể.
Chúng ta mang vết thương của nhau.
Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho thấy
thái độ ta phải có trước một người lầm lỗi.
Trước hết, phải mạnh dạn góp ý.
Chỉ ai yêu thực sự mới dám góp ý thẳng thắn.
Nhiều khi chúng ta chỉ dám nói sau lưng.
Nhiều khi chúng ta không đủ can đảm góp ý.
Vì sợ người khác giận mình,
vì sợ mất một số quyền lợi
hay vì sợ chính mình bị góp ý.
Góp ý xây dựng là một dấu chỉ yêu thương,
chứ không phải là đi tìm cọng rơm trong mắt người.
Nhưng phải biết cách góp ý.
Cần giữ sự kín đáo và tôn trọng nhau.
Nếu người sai lỗi cứ bướng bỉnh, cố chấp,
thì nên đem theo vài người nữa,
không phải để gây áp lực,
nhưng để cho thấy tính khách quan hơn.
Nếu họ vẫn không chịu nghe,
thì phải đưa ra cộng đoàn.
Nếu họ cũng không chịu nghe cộng đoàn,
thì phải chấp nhận thái độ tự cô lập của họ.
Như thế góp ý có nhiều giai đoạn.
Cần tế nhị, kiên nhẫn, yêu thương,
vì Thiên Chúa không muốn một ai phải hư mất,
tuy Ngài cũng không muốn có gương xấu xảy ra.
Góp ý là một bổn phận của yêu thương,
nhưng bản thân tôi cũng cần được góp ý.
Một cộng đoàn trưởng thành là cộng đoàn
có khả năng ngồi lại để góp ý cho nhau,
trong giáo xứ, trong gia đình và từng nhóm nhỏ.
Chúng ta cần yêu thương để dám góp ý,
cần khiêm tốn để được góp ý.
Có khi chúng ta quen sống trong bầu khí
chịu đựng nhau, giữ kẽ, dĩ hoà vi quý.
Như thế là duy trì một sự trì trệ kéo dài.
Mong sao mau đến ngày các Kitô hữu trên thế giới
ngồi lại với nhau để dàn xếp những bất đồng
và trở nên hiệp nhất như ý Chúa muốn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xưa Chúa có người bạn thân là Ladarô,
Chúa cũng coi các môn đệ là bạn hữu.
Tạ ơn Chúa đã cho con những người bạn
để nâng đỡ con trên đường đời.
Dù chúng con có nhiều điểm khác biệt,
nhưng xin hiệp nhất chúng con trong tình yêu.
Xin cho chúng con biết
yêu thương nhau thật tình,
chia sẻ cho nhau mọi nỗi buồn vui,
nâng nhau dậy khi vấp ngã,
phấn khởi trước những thành công,
khích lệ trước một cố gắng nhỏ,
và nhất là thẳng thắn góp ý cho nhau,
để cùng nhau tiến bộ.
Lạy Chúa, xin mở rộng vòng tay con,
để có thể đón nhận những người bạn mới.
Xin cho con đừng trở nên nghèo nàn
vì chỉ muốn làm bạn với ai giống con.
Xin dạy con biết thế nào là gặp gỡ.
Gặp gỡ không phải chỉ là quảng đại cho đi,
mà còn là khiêm nhường nhận lãnh.
Gặp gỡ không phải chỉ là tâm sự về mình,
mà còn là lắng nghe người khác.
Gặp gỡ không phải chỉ là
phân phát sự giàu có của mình,
mà còn là nhìn nhận và đón nhận
sự phong phú của tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con trở nên bạn của Ngài,
nhờ đó, chúng con mãi mãi
là bạn thân của nhau. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/loi-duoc-nguoi-anh-em-06-9-2020-chua-nhat-23-thuong-nien-nam-a--40518
1. Điều không được phép làm (05.9.2020 – Thứ Bảy Tuần 22 Thường niên)
2. Chàng rể ở với họ (04.9.2020 – Thứ Sáu Tuần 22 Mùa Thường niên)