... mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn (14.7.2021 - Thứ Tư tuần 15 Thường niên)
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời nguyện tự phát của Đức Giêsu. Đó là một lời tạ ơn, một lời ngợi khen của Con dâng lên Cha.
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời nguyện tự phát của Đức Giêsu. Đó là một lời tạ ơn, một lời ngợi khen của Con dâng lên Cha.
Khi ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan, thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời nguyện tự phát của Đức Giêsu.
Đó là một lời tạ ơn, một lời ngợi khen của Con dâng lên Cha.
Đức Giêsu gọi Thiên Chúa bằng từ Abba thân thương gần gũi,
nhưng Thiên Chúa ấy cũng là Đấng siêu việt ngàn trùng,
Đấng quyền uy tối thượng, Chúa Tể cả trời đất (c. 25).
Đức Giêsu ca ngợi Cha vì hành vi mặc khải của Cha cho con người.
Cha có một kế hoạch cứu độ nhân loại qua Con của Cha là Đức Giêsu.
Và Cha muốn vén mở kế hoạch đó cho con người biết.
Có những người đã thành tâm đón nhận, và có những người cố ý từ chối.
Nhưng tất cả đều không nằm ngoài chương trình của Cha (c. 26).
Lối nói kiểu Do thái của Đức Giêsu có thể khó hiểu đối với ta ngày nay:
“Cha đã giấu các điều này trước những người khôn ngoan thông thái.”
Thật ra, chẳng phải Thiên Chúa ghét bỏ hay phân biệt đối xử,
vì Ngài muốn cho mọi người được cứu độ (1Tm 2, 4).
Chẳng phải Cha ghét bỏ các người khôn ngoan và cổ võ sự ngu dốt.
Ngài cũng không che giấu mầu nhiệm Nước Trời trước một ai.
Nhưng quả thật ai tự hào, tự mãn với hiểu biết khôn ngoan của mình,
và khép lại trước những gì vượt quá trí hiểu nông cạn của họ,
người ấy sẽ không có cơ may đón nhận được mặc khải của Thiên Chúa.
Một số kinh sư và người Pharisêu giỏi giang về Sách Thánh và Truyền thống,
đã không thể đón nhận được cái hoàn toàn mới mẻ nơi giáo lý Đức Kitô,
vì họ quá bám víu vào cái biết cũ mà họ coi là tuyệt đối.
Nhưng các người bé mọn, ít tri thức và sách vở, lại dễ dàng đón nhận hơn.
Họ hồn nhiên mở ra trước mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.
Chính vì thế họ biết được những điều sức người không thể nào đạt tới.
Câu cuối (c. 27) là một mặc khải lớn của Đức Giêsu trong tư cách là Con.
Ngài cho thấy giữa Cha và Con có sự hiểu biết nhau cách độc nhất vô nhị.
“Không ai biết rõ Con trừ ra Cha và không ai biết rõ Cha trừ ra Con…”
Sự hiểu biết nhau thân tình và sâu xa này
như thể tạo ra một thế giới riêng giữa Cha và Con.
Muốn biết Cha phải nhờ Con, Đấng duy nhất có đủ thẩm quyền mặc khải.
Hơn nữa, muốn biết Con cũng phải nhờ Cha mặc khải.
Phêrô phải nhờ Cha mới biết được Đức Giêsu là ai (Mt 16, 17).
Nói chung Cha và Con làm nên một thế giới riêng tư, nồng ấm.
Nhưng thế giới ấy lại không khép kín, mà mở ra để mời con người vào.
Cha và Con đều muốn mặc khải thế giới ấy cho con người.
Cha đưa ta gặp Con, Con đưa ta gặp Cha.
Chỉ cần gặp Con hay Cha là có thể bước vào thế giới đó, để gặp cả Cha và Con.
Chị Edith Stein là một phụ nữ Do Thái được coi là thông thái, trí tuệ.
Chị đậu tiến sĩ triết học với hạng tối danh dự tại Đức.
và là người cộng tác với ông tổ của Hiện tượng luận là triết gia Husserl.
Việc tìm kiếm Chân Lý đã dẫn chị đến với đạo Công giáo.
Chị đã đi tu Dòng Kín Cát Minh và đã bị giết tại trại giam của Đức quốc xã.
Chị Bênêđicta Thánh Giá được phong thánh năm 1998 bởi Đức Gioan Phaolô II.
Sự thông thái khiêm tốn đã giúp Chị gặp được Nước Trời như một kẻ bé mọn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.