Skip to main content

Để họ được nên một (02.6.2022 – Thứ Năm Tuần 7 Phục Sinh)

Hôm nay Đức Giêsu là Thượng Tế trên trời, là Đấng Trung Gian duy nhất, vẫn dâng lên Chúa Cha lời nguyện tương tự.
Để họ được nên một (02.6.2022  – Thứ Năm Tuần 7 Phục Sinh)
Hôm nay Đức Giêsu là Thượng Tế trên trời, là Đấng Trung Gian duy nhất, vẫn dâng lên Chúa Cha lời nguyện tương tự.
Lời Chúa: Ga 17, 20-26

Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa”.

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Lời Nguyện sau Tiệc Ly.
Đức Giêsu cầu nguyện, không phải cho các môn đệ đang hiện diện,
nhưng cho các môn đệ tương lai, là chính chúng ta,
những người tin nhờ nghe lời giảng của các môn đệ đi trước (c.20).

Hôm nay Đức Giêsu là Thượng Tế trên trời, là Đấng Trung Gian duy nhất,
vẫn dâng lên Chúa Cha lời nguyện tương tự.
Ngài nhìn thấy một phần ba dân số thế giới là Kitô hữu, hơn hai tỷ người.
Ngài nhìn thấy những người theo Công Giáo gồm hơn một tỷ,
theo Chính Thống giáo, Tin Lành, Anh giáo và bao giáo phái khác.
Ngài xin Cha cho họ nên một, như Cha và Con là một (c. 22).

Đức Giêsu đã xin cho các môn đệ đang hiện diện bên Ngài
được nên một “như chúng ta” (Ga 17, 11b).
Bây giờ Ngài xin cho các môn đệ tương lai cũng được nên một.
Sự hiệp nhất nên một giữa Cha và Con
vừa là khuôn mẫu, vừa là nguồn mạch cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu.
“Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (c. 21).
Cha và Con ở trong nhau, đó là mẫu mực cho sự hiệp nhất.
Chúng ta được mời gọi ở trong nhau khắng khít như Cha và Con.
Điều này không thể thực hiện được, nếu chúng ta không được đưa vào
trong mối tương quan thân thiết giữa Cha và Con:
“để họ cũng ở trong Chúng Ta” (c. 21).
Các Kitô hữu chỉ hiệp nhất khi họ được sống trong nguồn hiệp nhất
là sự ở trong nhau giữa Cha và Con.

Trong Lời Nguyện của Đức Giêsu, ta thấy có một tương quan ba chiều
giữa Cha, Con và các môn đệ.
“Con ở trong họ và Cha ở trong Con…
Cha đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (c. 23).
“Tình Cha đã yêu thương Con ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa” (c.26).
Tương quan này sâu lắng đến mức có sự ở lại trong nhau thật sự
giữa Cha, Con và các môn đệ là chính chúng ta.
Tuy vậy ít khi chúng ta dám nghĩ mình có tương quan gần gũi đến thế
với thế giới siêu việt của Cha và Con.

Nhưng Đức Giêsu còn nói đến tương quan giữa các môn đệ với thế gian.
Chỉ khi có sự hiệp nhất giữa các môn đệ, lúc đó mới hy vọng
“Thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (c. 21),
“Thế gian sẽ nhận biết rằng Cha đã sai Con (c. 23).
Chúng ta cầu cho sự hiệp nhất yêu thương giữa các Kitô hữu trên thế giới.
Nếu một phần ba dân số thế giới sống nên một trong yêu thương,
hai phần ba còn lại sẽ sống trong hạnh phúc bình an.

Cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.
Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi Chúa ;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa!
Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.
Ước chi
con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo.

(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/de-ho-duoc-nen-mot-6-6-2019-thu-nam-tuan-7-phuc-sinh--34971