Skip to main content

Ông thật có phúc (28.8.2022 – Chúa Nhật 22 Thường Niên, Năm C)

Ông thật có phúc (28.8.2022 – Chúa Nhật 22 Thường Niên, Năm C)
Đức Giêsu hay mời chúng ta làm những việc khác thường, vì Thiên Chúa có cái nhìn rất khác với chúng ta.
Lời Chúa: Lc 14,1.7-14

Một ngày sabát kia, Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này’. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho’. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Rồi Ðức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

Suy niệm:

Trong chế độ làng xã ngày xưa, khi cần bàn việc chung,
dân làng họp nhau ở đình, ngồi trên những chiếc chiếu.
Chiếu được trải theo địa vị cao thấp.
Người chức sắc, cao niên, đỗ đạt, thì ngồi chiếu trên,
tiếp theo là những người địa vị thấp dần, ngồi chiếu dưới.
Hẳn ai cũng muốn ngồi chiếu cao hơn, nên cũng có ganh đua.
Đức Giêsu được ông thủ lãnh nhóm Pharisêu mời ăn tiệc.
Ở đây không có chiếu, nhưng có chỗ, chỗ cao và chỗ thấp.
Ngài nhận thấy khách mời cứ thích chọn chỗ cao,
nên Ngài mới kể cho họ một dụ ngôn như một lời khuyên.

Đức Giêsu khuyên họ khi đi ăn cưới, đừng ham ngồi chỗ cao,
kẻo bị chủ tiệc mời xuống để nhường cho bậc vị vọng hơn.
Như thế rốt cuộc lại phải xấu hổ xuống ngồi chỗ thấp nhất.
Ngài khuyên họ nên chọn ngồi chỗ thấp nhất,
biết đâu chủ tiệc sẽ đến nói: “Mời bạn lên cao hơn!”
Như thế bạn sẽ được vinh dự trước mặt mọi người dự tiệc.
Lời khuyên trên đây của Đức Giêsu có thể bị hiểu lầm,
bị coi là một mánh khóe để tìm thành công,
hay chỉ là một bài học khôn ngoan về cách ứng xử.
Thật ra Đức Giêsu không dạy người ta giả hình.
Ngài dạy ta sống khiêm tốn thực sự.
Ngài đụng vào những cái “tự” mà ai cũng có:
tự phụ, tự đắc, tự hào, tự kiêu, tự mãn…
Ai cũng thấy mình xứng đáng ở chiếu trên và chỗ cao.
Các kinh sư và người Pharisêu thường chọn chỗ cao
trong hội đường và trong đám tiệc (Lc 11,43; 20,46).
Đức Giêsu nhắc nhở ta về sự sắp xếp của Thiên Chúa:
“Ai tôn mình lên sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống;
Ai hạ mình xuống sẽ được Thiên Chúa tôn lên” (Lc 14,11).
Ngài khuyên ta đừng đánh giá mình cao, đừng sợ mất mặt.
nhưng hãy để Thiên Chúa lo liệu cho chỗ của mình.

Sau đó Đức Giêsu còn khuyên ông chủ tiệc về việc mời ai.
Đừng mời bạn bè, anh em, bà con, hay láng giềng đại gia,
nhưng hãy mời người nghèo, tàn tật, què quặt, đui mù.
Lời khuyên này hẳn làm ông chủ tiệc ngỡ ngàng
vì nó đi ngược với nguyên tắc bình thường có qua có lại.
Ông ta còn có thể bị sốc khi Đức Giêsu đưa ra lý do tại sao:
nếu mời những người thân quen, giàu có, họ sẽ mời lại;
còn nếu mời những người nghèo khó, tàn tật, mù lòa,
họ sẽ không thể mời lại, không thể đền đáp.
Nhưng chính việc họ không thể đền đáp lại là mối phúc,
vì Chúa sẽ đền đáp vào ngày người công chính phục sinh.
Một lần nữa, Đức Giêsu lại mời chúng ta để Thiên Chúa lo,
khi làm việc tốt mà không mong đền đáp (Lc 14,14).

Đức Giêsu hay mời chúng ta làm những việc khác thường,
vì Thiên Chúa có cái nhìn rất khác với chúng ta.
Khi đãi tiệc, ai cũng muốn mời khách có tiếng tăm, địa vị,
chẳng ai mời những người bị xã hội coi khinh.
Mời người có chức quyền là nâng đẳng cấp của mình lên.
Giúp đỡ người nghèo là một chuyện,
còn mời người nghèo dự tiệc ở nhà mình là chuyện khác.
Mời người nghèo khổ dự tiệc là làm một cuộc cách mạng,
là chấp nhận mình và gia đình mình bị mất tiếng tăm.

Hội Thánh không chỉ hiệp hành vào ngày tận thế,
khi những người nghèo, tàn tật, đui mù, què quặt
được vào dự tiệc trong Nước Thiên Chúa (Lc 14,15.21).
Hội Thánh cần có chỗ cho mọi thành phần từ bây giờ,
để ai cũng được nói, được nghe, được tham dự.
Không ai thấy mình bị kỳ thị hay bỏ rơi,
nhưng vui vì được đóng góp cho cộng đoàn Dân Chúa.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, khi cầu nguyện
chúng con thường chỉ biết ngửa tay xin
mà quên rằng Chúa cần chúng con đưa tay cộng tác.

Chúa muốn ban ơn cho trái đất bị tàn phá
qua tay chúng con.
Chúa muốn chữa lành cho nhân loại khổ đau
qua tay chúng con.
Chúa không hiện ra để giúp từng người
nhưng Chúa muốn đến thăm họ
qua sự hiện diện của chúng con.
Chúa thích chúng con làm nhịp cầu
để Chúa tuôn đổ tình thương trên mọi loài thụ tạo.

Lạy Chúa Giêsu là vị Trung Gian của Chúa Cha,
xin dạy chúng con làm trung gian theo cách của Chúa,
nối kết những khác biệt, xóa bỏ những loại trừ,
hàn gắn những vết thương, và coi kẻ thù như bạn,
nhờ đó nhân loại hôm nay được hòa giải với nhau
và với Thiên Chúa. Amen.

Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Năm 2022
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/ong-that-co-phuc-28-8-2022-chua-nhat-22-thuong-nien-nam-c--46420