Skip to main content

Không thể chết nữa (06.11.2022 – Chúa Nhật 32 TN, Năm C)

Chúng ta được chia sẻ hạnh phúc đó với Ngài và mong gặp lại mọi người thân yêu trong nơi vĩnh phúc.
Không thể chết nữa (06.11.2022 – Chúa Nhật 32 TN, Năm C)
Chắc nhóm Xa-đốc rất thích thú với câu hỏi của mình. Họ nghĩ Đức Giêsu sẽ lúng túng và không trả lời được. Chúng ta phải cảm ơn câu hỏi cắc cớ của họ vì nhờ đó Đức Giêsu hé lộ cho ta biết về sự sống đời sau.
LỜI CHÚA: Lc 20,27-38

Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Ðức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải cưới lấy nàng, để gầy dựng một dòng giống cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” Ðức Giêsu đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Ðức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Apbraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

SUY NIỆM:

Theo sách Luận Ngữ, khi học trò của Khổng Tử là Quý Lộ
hỏi Thầy mình: “Dám xin hỏi Thầy về sự chết.”
Khổng Tử trả lời: “Anh chưa biết về sự sống,
làm sao anh có thể biết về sự chết?”
Câu trả lời của Đức Khổng Tử được coi là rất thực tế.
Trong phận người hữu hạn, ta chưa biết hết về sự sống,
làm sao biết sự chết là điều người sống chưa trải qua.
Đức Khổng Tử tránh trả lời về một điều mà mình không rõ.

Tuy khó mô tả về sự sống sau khi thân xác chết đi,
nhưng phần đông chúng ta tin chết không phải là hết.
Sống là tạm gửi, chết là trở về.
Con người được coi là linh thiêng hơn vạn vật.
Trong các ngôi mộ của những người tiền sử,
ta thấy ở đó có để thức ăn, vũ khí, vật dụng…
Có lẽ họ tin người chết cũng cần những thứ đó cho đời sau.
Một cách nào đó, ngay cả người vô tín cũng tin có đời sau.
được diễn tả qua mọi hình thức tưởng niệm, truy điệu.

Khi con người chết đi, linh hồn thì bất tử,
còn thân xác sẽ bị phân hủy và biến tan.
Có người tin rằng thân xác chẳng thể nào sống lại.
Mọi sự đến từ bụi đất và trở về bụi đất (Gv 3,20).
Khi thánh Phaolô giảng về sự sống lại của thân xác,
người Hy-lạp ở A-thê-na đã cười nhạo ông (Cv 17,31-32).
Trong bài Phúc Âm hôm nay,
ta thấy nhóm Xa-đốc cũng không tin thân xác sẽ sống lại.
Nhóm này gồm những người thuộc dòng tộc tư tế.
Họ chỉ coi Bộ Ngũ Thư là Thánh Kinh,
và cho rằng Ngũ Thư chẳng nói gì về việc xác sống lại.
Nhóm Xa-đốc biết Đức Giêsu có niềm tin này,
nên dựa theo luật Lê-vi-ra trong sách Đệ nhị luật (25,5-10),
họ bịa ra một câu chuyện trớ trêu nhằm bắt bí Ngài.
Theo luật này, một người có vợ, chết đi mà không có con,
thì các anh em của người ấy phải lấy chị ta làm vợ,
để sinh con nối dòng cho người ấy.
Câu chuyện ở đây là: có một góa phụ, vì không sinh con,
nên đã lần lượt lấy thêm sáu người anh em chồng,
vì lấy người nào cũng không có con.
Vậy thử hỏi nếu tin thân xác được sống lại ở đời sau,
thì chị này sẽ là vợ của ai trong số bảy người đàn ông đó.

Chắc nhóm Xa-đốc rất thích thú với câu hỏi của mình.
Họ nghĩ Đức Giêsu sẽ lúng túng và không trả lời được.
Chúng ta phải cảm ơn câu hỏi cắc cớ của họ
vì nhờ đó Đức Giêsu hé lộ cho ta biết về sự sống đời sau.
Ngài cho thấy thân xác sau khi chết và được sống lại
thì ở trong một tình trạng hoàn toàn khác trước.
Sau khi xác được biến đổi cách kỳ diệu,
không còn nhu cầu cưới vợ, lấy chồng hay sinh con.
Con người được bất tử như Thiên Chúa.
Tương quan của người vợ với bảy anh em chồng
vẫn thân thiết như xưa, nhưng lại rất khác xưa.
Chẳng có chuyện lục đục giữa bảy ông với một bà.
Ở đời sau, con người sống như các thiên thần.
Không phải vì họ không có thân xác nữa,
nhưng vì cả con người họ hướng trọn về Thiên Chúa,
trong việc thờ phụng và ca ngợi không ngơi.

Trong Kinh Tin Kính, ta tuyên xưng: “Tôi tin xác sống lại.”
Như thế cả xác và hồn tôi được dựng nên để sống mãi.
Chúa Giêsu là con người đầu tiên vào Nước Trời
với cả thân xác và linh hồn của Ngài nơi trần thế.
Chúng ta được chia sẻ hạnh phúc đó với Ngài
và mong gặp lại mọi người thân yêu trong nơi vĩnh phúc.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,
Khi ra thăm nghĩa địa,
Khi vào viếng phòng hài cốt,
Con hiểu rằng mình phải có lòng tin lớn lao
Mới dám nghĩ một ngày nào đó
Những thân xác hư hoại này sẽ sống lại.

Con người trở về bụi tro,
Nhưng bụi tro sẽ trở lại làm người,
Vì con người sinh ra là để bất tử như Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,
Trần gian này quá đẹp
Khiến con mải mê, quên mình là lữ khách;
Thiên đàng lại xa xôi, chẳng có chỗ trong con.
Con loay hoay vun quén cho đời sống cá nhân,
Như thể con sẽ sống mãi trên mặt đất.
Xin khơi dậy nơi con
Niềm khát khao những điều cao cả.
Xin đừng để con
Mãn nguyện với những cái tầm thường.

Ước gì Chúa cho con nếm chút vị ngọt của trời cao,
Khi con quên mình
Để sống cho anh em trên mặt đất.

Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Năm 2022

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/khong-the-chet-nua-06-11-2022-chua-nhat-32-tn-nam-c--46745