Hãy nên hoàn thiện (19.02.2023 – Chúa Nhật 7 TN, Năm A)
Nếu có một lần chúng ta đem những lời này ra áp dụng. Chỉ một lần thôi, chúng ta sẽ thấy sức mạnh vô biên của sự hiền hòa.
Hôm ấy, trên một ngọn núi kia, Ðức Giêsu dạy các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì anh hãy cho; ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi.
Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?
Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện”.
Suy niệm:
Năm 1893, lúc 24 tuổi, khi đang ở Nam Phi,
Gandhi đã quá đỗi vui mừng khi lần đầu đọc bài Tin Mừng hôm nay.
Ông ngây ngất vì vẻ đẹp nghệ thuật của những hình ảnh ở đó,
đến nỗi ông gọi Đức Giêsu là “Nghệ sĩ Tối cao”.
Đối với ông, Bài Giảng Trên Núi là tác phẩm tuyệt vời của Đức Giêsu,
chạm vào trái tim và bộ óc của ông, một người theo Ấn giáo,
và ảnh hưởng trên toàn bộ cuộc sống của ông cho đến khi nhắm mắt.
Có thể nói, từ Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe,
Gandhi đã rút ra con đường bất bạo động, bất kháng cự (Satyagraha).
Ông đã áp dụng lời Chúa vào việc giải phóng dân Ấn khỏi đế quốc Anh
mà không dùng đến chiến tranh, vũ lực, hận thù.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy ta thái độ đối với kẻ thù.
Ai trong chúng ta lại không có kẻ thù, kẻ ác làm hại mình.
Cả Đức Giêsu cũng có kẻ thù ghét Ngài trong thời gian Ngài rao giảng.
Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” đã là một luật tiến bộ rồi,
vì nó giới hạn việc trả thù quá đáng, và bắt vòng xoáy trả thù dừng lại.
Nhưng Đức Giêsu đòi chúng ta vượt lên trên sự công bằng đó:
không móc mắt hay nhổ răng người đã làm như thế cho mình,
nghĩa là “không chống cự lại người ác” (Mt 5,39),
không lấy bạo lực để trừng phạt bạo lực.
Sau đó, qua ba thí dụ cụ thể rất gợi hình và dễ hiểu,
Đức Giêsu còn mời chúng ta đi xa hơn đến mức kinh ngạc.
Khi bị tát bằng mu bàn tay vào má phải,
chẳng những không được tát lại, mà còn đưa má trái ra.
Khi bị ai kiện để lấy áo trong, hãy cho nó cả áo ngoài.
Khi bị ai ép mang đồ đi một dặm, hãy đi với người ấy hai dặm.
Như thế chẳng những chúng ta không được chống cự hay trả đũa,
mà dường như còn cho phép kẻ thù lấn tới trong hành vi độc ác của họ.
Làm như thế phải chăng là tiếp tay cho sự ác gia tăng,
và làm cho ác nhân tha hồ tung hoành trên mặt đất ?
Nhiều tín hữu đã nghĩ như thế, và coi lời dạy của Đức Giêsu
không thể và không nên áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Đúng là khi bị tát, và Đức Giêsu đã không đưa má kia ra (Ga 18,22-23),
nhưng thái độ của Ngài trong cuộc Khổ Nạn và Tử Nạn
cho thấy Ngài đã sống điều Ngài dạy: không chống cự kẻ đến bắt,
hiền hòa với Giuđa, tha thứ cầu nguyện cho kẻ giết mình.
Khi Ngài được phục sinh chiến thắng,
Ngài cũng không hiện ra để trả thù Philatô, Hêrôđê hay Cai-pha.
Thay vì nguyền rủa, ghét bỏ, oán hờn, tiêu diệt kẻ thù,
Đức Giêsu bảo chúng ta hãy yêu kẻ thù.
Như thế kẻ thù thành người yêu của tôi, vì được tôi chúc lành,
được tôi nhớ đến trong lời cầu nguyện, được tôi chào mỗi buổi sáng.
Trái tim của tôi không còn chỗ cho kẻ thù, chẳng ai là kẻ thù của tôi.
Trái tim tôi trở nên lớn như trái tim Thiên Chúa là Cha trên trời.
Trái tim Ngài có đủ chỗ cho kẻ xấu và kẻ bất lương,
Vì Ngài cho mặt trời soi chiếu và cho mưa rơi trên mọi người.
Đức Giêsu mời chúng ta vượt lên trên tình cảm yêu ghét tự nhiên,
của những người bình thường hay tầm thường.
Con cái của Cha trên trời thì phải “làm điều gì hơn thế” (Mt 5,47),
nghĩa là phải giống Cha trong cách cư xử với kẻ thù.
Đó là con đường trở nên hoàn thiện (Mt 5,48).
Thế giới chúng ta hôm nay bị tan nát bởi chiến tranh, hận thù,
giữa các quốc gia, sắc tộc, tôn giáo, màu da, gia đình, đảng phái…
Nhiều người thấy mình có bổn phận phải dùng điều ác để chống kẻ ác.
Có người nghĩ mình phải giết cho hết những kẻ sát nhân.
Chẳng những cần trả thù mà còn cần đánh phủ đầu nữa.
Tát người ta khi người ta chưa kịp tát mình.
Lời hôm nay của Đức Giêsu thường bị coi là viển vông, chủ bại.
Chẳng mấy ai tin rằng: chỉ lời này mới đem lại bình an cho thế giới,
Nếu có một lần chúng ta đem những lời này ra áp dụng.
Chỉ một lần thôi, chúng ta sẽ thấy sức mạnh vô biên của sự hiền hòa.
Phúc cho ai có trái tim hiền hòa như Giêsu (Mt 11,29).
Với sự hiền hòa của Giêsu trên thập giá, thế gian được bình an.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Mỗi ngày con gặp bao chuyện bực mình.
Có những chuyện xảy ra làm con không vừa ý,
khiến ngày sống của con vắng bóng niềm vui.
Làm sao con có thể đón nhận mọi sự
với nụ cười bao dung,
và coi những trắc trở như chuyện bình thường của cuộc sống?
Làm sao con dám tin rằng
Chúa vẫn giúp con tìm thấy ý Chúa
qua những chuyện không vui, đòi con từ bỏ cái tôi,
qua những chuyện không may, làm con giật mình tỉnh ngộ?
Xin cho con bình an trước vấp váp của con,
Và nhẹ nhàng trước vấp váp của người khác.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hay-nen-hoan-thien-23-02-2020-chua-nhat-7-tn-nam-a--39128