Chàng rể còn ở với (15.01.2024 – Thứ Hai Tuần 2 TN)
Bài Ðọc I: 1Sm 15, 16-23
“Vâng lời thì tốt hơn của lễ. Chúa truất phế không cho ông làm vua nữa”.
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Samuel nói cùng Saolê rằng: “Thôi! Tôi sẽ tuyên bố cho ông những điều Thiên Chúa đã nói với tôi trong đêm qua”. Và Saolê đáp: “Ngài cứ nói”. Samuel liền nói: “Khi ông tự thấy ông còn bé nhỏ, há ông đã chẳng được đặt làm thủ lãnh các chi họ Israel sao? Và Thiên Chúa đã chẳng xức dầu phong ông làm vua Israel sao? Chúa đã sai ông lên đường và nói: “Hãy đi giết quân Amalec tội lỗi, và hãy giao chiến với chúng cho đến khi tận diệt chúng”. Tại sao ông không nghe lời Chúa, mà lại chạy theo chiến lợi phẩm và làm điều tội lỗi trước mặt Chúa như vậy?” Saolê nói với Samuel: “Vâng, tôi đã nghe lời Chúa, đã đi trên đường Chúa sai tôi, đã bắt Aga vua Amalec, và tàn sát dân Amalec. Nhưng trong các chiến lợi phẩm, dân chúng đã lấy chiên bò, những vật nhất hạng họ cướp được để tế lễ Chúa là Thiên Chúa của họ tại Galgalê”.
Samuel nói: “Này Chúa ưa thích của lễ toàn thiêu và hy lễ hơn sự vâng lời Chúa ư? Vì vâng lời thì tốt hơn của lễ, và tuân lệnh thì cao đẹp hơn dâng mỡ cừu; vì phản bội thì giống như tội tà thuật, còn ngoan cố thì giống như tội thờ bụt thần. Vậy bởi ông khinh bỉ lời Chúa, nên Chúa truất phế không cho ông làm vua nữa”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 49, 8-9. 16bc-17. 21 và 23.
Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.
Xướng: 1) Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. Ta không nhận tự nhà ngươi một con bò non, cũng không nhận tự đoàn chiên ngươi những con dê đực.
Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.
2) Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta? Ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn và ném bỏ lời Ta lại sau lưng?
Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.
3) Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta; ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.
Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.
Alleluia: Tv 144, 13cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 2, 18-22
“Tân lang còn ở với họ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.
Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?” Chúa Giêsu nói với họ: “Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Một trong những nét khác biệt giữa Gioan Tẩy Giả với Đức Giêsulà sự khắc khổ nhiệm nhặt.
Gioan được coi là người “không ăn bánh, không uống rượu” (Lc 7, 33).
còn Đức Giêsu bị mang tiếng là “tay ăn nhậu” với quân thu thuế (Lc 7, 34).
Chúng ta đã từng thấy ngài ăn tại nhà ông Lêvi hay ông Dakêu.
Các người Pharisêu cũng là những người thích ăn chay nhiều lần trong tuần,
dù ngày ăn chay chính thức hàng năm của đạo Do-thái chỉ là ngày lễ Xá tội.
Như thế có sự khác biệt khá rõ giữa môn đệ của Đức Giêsu
với môn đệ của Gioan Tẩy Giả và môn đệ của người Pharisêu.
Một bên có vẻ thoáng và thoải mái, một bên thì khắc khổ nhiệm nhặt.
“Tại sao môn đệ của ông lại không ăn chay ?”
Có người đã dám hỏi thẳng Đức Giêsu như thế.
Ngài đã trả lời bằng một cách dùng một hình ảnh dễ hiểu và đầy ý nghĩa.
Vào thời Đức Giêsu, tại Paléttin, cũng như tại nhiều vùng quê ngày nay,
đám cưới là một biến cố mừng vui có tính làng xã.
Chẳng thể nào hiểu được chuyện một người đi ăn cưới
với khuôn mặt buồn của kẻ đang ăn chay.
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay,
khi chàng rể còn ở với họ”
Đức Giêsu tự ví mình với chàng rể, còn môn đệ là khách dự tiệc cưới.
Bầu khí trong nhóm môn đệ của ngài là bầu khí vui tươi của một lễ thành hôn
bởi lẽ thời đại thiên sai đã đến rồi.
Đức Giêsu, Đấng Mêsia dân Ítraen mong đợi từ lâu, nay có mặt.
Ngài là chàng rể kết duyên với cô dâu là dân tộc Ítraen của ngài.
Đức Giêsu đã làm trọn điều các ngôn sứ nói trong Cựu Ước
về việc Thiên Chúa lập hôn ước với dân của Người (Hs 2, 21-22; Is 62, 4-5).
“Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay.”
Sau khi Đức Giêsu chịu cái chết dữ dằn, được phục sinh và lên trời,
Giáo hội bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn chờ đợi ngài quang lâm.
Trong giai đoạn này, khi Chúa Giêsu vừa vắng mặt, vừa hiện diện,
Các Kitô hữu ăn chay, vác thánh giá theo Chúa Giêsu,
dù họ vẫn luôn sống trong niềm vui, bởi tin vào Đấng đã phục sinh vinh hiển.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,
nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười
khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.
Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.
Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau
khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.
Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.
Nụ cười ấy hòa với niềm vui
của người được lành bệnh.
Lạy Chúa Giêsu,
có những niềm vui
Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,
có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.
Xin dạy chúng con biết tươi cười,
cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.
Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,
dù không phải tất cả đều màu hồng.
Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,
nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.
Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương
và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chang-re-con-o-voi-15-1-2018-thu-hai-tuan-2-thuong-nien-31684