Skip to main content

Anh em bảo Thầy là ai? (15.09.2024 – Chúa Nhật Tuần 24 Thường Niên B)

Ðời tín hữu là một hành trình tìm kiếm không ngừng để khám phá ra khuôn mặt luôn mới mẻ của Ðức Giêsu.
Anh em bảo Thầy là ai? (15.09.2024 – Chúa Nhật Tuần 24 Thường Niên B)
Hôm nay, chúng ta dễ dàng trả lời như Phêrô: “Thầy là Ðức Kitô”, và hơn Phêrô: “Thầy là Ngôi Lời nhập thể, là Con Thiên Chúa”. Nhưng vấn đề không phải chỉ là trả lời đúng câu hỏi mà còn là sống tận căn thân phận của Thầy.

Bài Ðọc I: Is 50, 5-9a

“Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi.

Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

Xướng: 1) Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa.

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!”

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi.

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.


Bài Ðọc II: Gc 2, 14-18

“Ðức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: “Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm”, mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?

Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi.

Ðó là lời Chúa.


Alleluia: Ga 14,5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. - Alleluia.


Phúc Âm: Mc 8, 27-35

“Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm 1: ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
Ðức Giêsu đặt câu hỏi trên cho các môn đệ
sau khi họ đã ở với Ngài và được Ngài sai đi (x. Mc 3,14),
sau khi họ đã thấy việc Ngài làm, nghe lời Ngài giảng.
Hôm nay Ðức Giêsu cũng đặt câu hỏi này cho tôi
sau khi tôi đã theo đạo một thời gian dài,
đã cầu nguyện và tham dự các bí tích...
“Còn anh, anh bảo Thầy là ai?”
Câu hỏi này nhắm thẳng vào tôi, đòi tôi phải trả lời.
Tôi không được trả lời qua loa hay máy móc.
Câu trả lời của tôi phải bắt nguồn từ một kinh nghiệm,
kinh nghiệm gặp gỡ và quen biết Ðức Giêsu.
Chẳng nên theo một người mà mình không quen và tin tưởng.

Ðời tín hữu là một hành trình tìm kiếm không ngừng
để khám phá ra khuôn mặt luôn mới mẻ của Ðức Giêsu.
Ngài thật là một mầu nhiệm khôn dò và quá phong phú.
Chúng ta chỉ mon men đến gần,
nhưng không sao múc cạn được mầu nhiệm ấy.
Phải thanh lọc những hình ảnh ta vốn có về Ngài.
Người làng Nadarét cứ nghĩ Ðức Giêsu chỉ là bác thợ.
Gioan Tẩy Giả nghĩ Ngài là một Mêsia vinh quang toàn thắng.
Phải gột bỏ cái biết cũ về Ngài
để đón nhận một Ðức Kitô khác, vượt xa điều mình nghĩ.
“Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa”.
Cần trở nên trẻ thơ để nhận ra khuôn mặt thật của Giêsu.

Hôm nay, chúng ta dễ dàng trả lời như Phêrô:
“Thầy là Ðức Kitô”,
và hơn Phêrô: “Thầy là Ngôi Lời nhập thể, là Con Thiên Chúa”.
Nhưng vấn đề không phải chỉ là trả lời đúng câu hỏi
mà còn là sống tận căn thân phận của Thầy.
Ngay sau khi loan báo con đường khổ nạn mình sắp đi,
Ðức Giêsu loan báo con đường dành cho người môn đệ.
Môn đệ chỉ có một con đường, con đường của Thầy.
Thầy đã sống phận người với tất cả bấp bênh tăm tối,
tôi có dám sống phận người của tôi trong niềm vui không?
Thầy đã chịu chết vì làm chứng cho sự thật,
tôi có dám hiến mạng tôi vì Thầy và vì Tin Mừng không?
Thầy đã vượt qua đau khổ để vào vinh quang bất diệt,
tôi có dám chọn con đường khiêm hạ và nghèo khó không?
“Người ta bảo Thầy là ai?”

Ta cần biết cái nhìn của con người hôm nay về Ðức Giêsu.
Nhiều cái nhìn đúng nhưng chưa đủ.
Truyền giáo là giúp người ta biết đúng và đủ về Ngài.
Không phải là cái biết lý thuyết trong sách vở,
nhưng là cái biết thân tình của người môn đệ.
Cuộc sống của ta vén mở căn tính của Ðức Giêsu.
Dung mạo của ta phải mang nét đặc trưng của Ngài.
Ðức Giêsu đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9).
Chúng ta ao ước nói: “Ai thấy tôi là thấy Ðức Giêsu”.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
và giữa ánh sáng,
cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,
nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên : Sao Cha bỏ con ?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
đối diện với những thách đố
vì biết rằng cuối cùng
chiến thắng thuộc về người
có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.


Suy niệm 2: AI MUỐN THEO TÔI

Trước câu hỏi của Thầy Giêsu: “Anh em nói Thầy là ai?”
Phêrô đại diện cho cả nhóm đã trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.”
Câu trả lời này đã mở ra một giai đoạn mới,
vì từ nay Thầy Giêsu không còn giảng bằng dụ ngôn nữa.
Thầy sẽ bắt đầu nói thẳng về những biến cố sắp xảy ra.
Khi tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô, là Đấng Mêsia,
Phêrô đã khẳng định một điều hết sức quan trọng.
Dân Israen đã chờ Đấng Mêsia cả sáu thế kỷ.
Họ mong Đấng ấy đến để giải phóng họ khỏi ách nô lệ,
cho đất nước được độc lập, hạnh phúc, ấm no.
Họ vẫn chờ một vị vua thuộc dòng tộc Đavít lên ngôi,
đúng như lời Thiên Chúa đã hứa (2 Sm 7,12-17).
Phêrô tin Đấng Mêsia đã đến rồi, không phải chờ nữa!
Đấng Mêsia là Thầy Giêsu đang ở ngay bên.

Vào chính giây phút Phêrô reo lên như thế,
Thầy Giêsu đã vén mở cho các môn đệ
con đường làm Mêsia rất khác thường của Thầy.
Con đường này hẳn làm các ông chưng hửng,
vì đây là một Mêsia chỉ chiến thắng sau bao khổ đau,
một Mêsia sống lại sau khi bị giết chết.
Nhưng đây là con đường Thiên Chúa muốn Thầy đi,
đây là kế hoạch mà Đấng Mêsia “phải” chấp nhận.
Phêrô đã phản ứng mạnh mẽ khi nghe Thầy nói
về con đường bi thảm Thầy sắp đi.
Ông không thể chấp nhận chuyện Thầy bị hãm hại.
Ông muốn kéo Thầy ra khỏi những suy nghĩ u ám
về định mệnh đang chờ mình.

Phêrô đã thất bại trong việc lôi kéo Thầy,
vì Thầy Giêsu thấy đằng sau lòng tốt của Phêrô
có bóng dáng của Xatan, kẻ đã từng cám dỗ Ngài.
Nơi hoang địa, Xatan đã lôi kéo Đức Giêsu
đi vào con đường cứu độ theo kiểu trần tục tự nhiên
nhờ nhảy xuống từ nóc Đền thờ hay quỳ bái lạy nó.
Giờ đây, Phêrô lại đang làm một điều tương tự,
bởi đó Thầy Giêsu đã phản ứng mạnh mẽ không kém.
Thầy đã gọi anh học trò yêu quý là Xatan,
và Thầy ra lệnh cho anh lui ra đằng sau Thầy,
đứng vào đúng chỗ của người môn đệ.
Phêrô không muốn Thầy đi vào con đường khổ nhục,
nhưng ý nghĩ của ông không phải là ý Thiên Chúa.

Con đường Thầy Giêsu cũng là đường cho đám đông,
cho bất cứ ai muốn theo, bây giờ và mãi mãi.
Những gì Thầy phải làm thì môn đệ cũng phải làm.
Đó là từ bỏ chính mình, làm cho mình ra không (Pl 2,7).
Đó là vác thập giá của mình, là chấp nhận mất mạng sống.
Người môn đệ Thầy Giêsu cũng phải trải qua khổ đau,
qua cái chết nhục nhằn mới được vinh quang phục sinh.
Đời người môn đệ phải kết dính với đời Thầy Giêsu:
đi sau Thầy, vác thập giá mình mà theo Thầy,
và chịu mất mạng sống ở đời này vì Thầy (Mc 8,34-35),
bởi lẽ chính Thầy đã vác thập giá của mình (Mc 15,20-21)
và đã chịu mất mạng vì họ (Mc 10,45).

Chẳng ai là môn đệ Chúa Giêsu mà lại đi đường khác.
“Ai nói rằng mình ở lại trong Thiên Chúa
thì cũng phải đi như chính Đức Giêsu đã đi” ( 1 Ga 2,6).
Vào thời bạo chúa Nê-rô, các kitô hữu bị bách hại dã man.
Họ thấy ấm lòng khi đọc Tin Mừng Máccô
vì biết mình đi sau Thầy, đi cùng một đường với Thầy.
Các kitô hữu hôm nay cũng không ngạc nhiên
nếu đời họ được che phủ dưới bóng thập giá.
Có nhiều thứ bách hại thời nay tinh vi hơn của Nêrô,
kéo họ chiều theo cái lợi nhất thời của lối nghĩ trần tục,
tìm giải pháp dễ dãi để giải quyết ngay những khó khăn.
Chọn theo Giêsu là chọn theo Ngài đi vào đường hẹp.
Nếu thấy mình đi trên đường rộng rãi, thênh thang,
thì không chắc mình đang đi trên Đường Giêsu.

Cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Xin nhớ đến sáu triệu người đã bị chết vì hơi ngạt,
bị giết, bị dìm dưới nước, bị thiêu sống, bị tra tấn,
bị đánh đập hay chịu lạnh cóng cho đến chết.
Chỉ vì lòng độc ác của một người
mà cả dân tộc chúng con bị đóng đinh,
trong khi thế giới lặng lẽ đứng nhìn.
Trái tim chúng con
sẽ chẳng bao giờ quên được những chuyện đó.

Lạy Thiên Chúa của cha ông chúng con,
Xin cho tro cốt của những đứa trẻ bị thiêu ở Auschwitz,
cho dòng sông máu đổ ra ở Bab-bi Yar hay Maj-da-nek,
trở thành lời cảnh báo cho nhân loại biết rằng:
lòng căm thù dẫn đến hủy diệt, bạo lực thì dễ lây lan,
và khả năng độc ác của con người thì vô hạn.

Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Xin Chúa hãy làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia:
“Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc, thành cày,
rèn giáo mác nên liềm, nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,
và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” Amen.
ㅤ ㅤAlexander Kimel (người sống sót sau Holocaust)

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/anh-em-bao-thay-la-ai-16-9-2018-chua-nhat-tuan-24-tn-b--34246