Tự hào và khinh người (26.3.2022 – Thứ Bảy Tuần 3 Mùa Chay)
Chỉ ai nhìn nhận sự yếu đuối của mình, lời cầu nguyện của người đó mới đánh động được trái tim Thiên Chúa.
Khi ấy, Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Suy niệm:
Tự hào về sự đạo đức của mình và khinh người khác,
Đó chẳng phải chuyện của các ông Pharisêu ngày xưa.
Đó là chuyện của con người mọi thời, của chính các môn đệ hôm nay.
Chúng ta nghe Đức Giêsu kể dụ ngôn này cho mình trong Mùa Chay thánh.
Hai nhân vật đối lập nhau, được đặt bên nhau trong dụ ngôn.
Họ ở trong cùng một đền thờ, cùng đứng cầu nguyện trước nhan Chúa.
Họ là một ông Pharisêu thánh thiện và một người thu thuế tội lỗi.
Nghe lời cầu nguyện của họ, chúng ta biết được lòng họ.
Người Pharisêu không xin gì cho mình, ông chỉ tạ ơn Thiên Chúa.
Ông kể ra những điều xấu mà ông không làm như bao kẻ khác,
hay như tên thu thuế mà ông thoáng thấy đứng cuối đền thờ (c. 11).
Ông còn kể những việc đạo đức tự nguyện về ăn chay và dâng cúng
mà ông đã làm vượt quá những gì Luật đòi buộc.
Lời cầu nguyện của ông khiến nhiều người Do Thái tử tế phải thèm.
Còn người thu thuế thì đứng xa, cúi đầu, đấm ngực, cầu xin cách đơn sơ :
“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (c. 13).
Anh thấy mình bất xứng, bất lực, chỉ biết cậy dựa vào tình thương tha thứ.
Kết luận của Đức Giêsu hẳn đã làm nhiều người chưng hửng.
Người thu thuế được Thiên Chúa làm cho nên công chính,
còn người Pharisêu thì không (c. 14).
Thiên Chúa có bất công không ? Chúng ta có cần sống tử tế nữa không ?
Thật ra, ông Pharisêu không được gì vì ông đã không xin gì.
Ông không xin vì ông thấy mình quá ư giàu có về mặt đạo đức.
Ông ra trước Thiên Chúa với một kho công trạng của mình.
Có bao nhiêu chữ con đầy tự hào trong lời nguyện của ông.
Chúng ta tưởng ông mở ra khi nói “con tạ ơn Thiên Chúa”
nhưng thực tế ông đã khép lại, quay vào mình, ngắm nghía vẻ đẹp của mình.
Rốt cuộc Thiên Chúa là người thừa, cùng lắm chỉ là người ông đến đòi nợ.
Ngược lại, anh thu thuế tuy có nhiều tiền, nhưng thấy mình tay trắng, lỗi tội.
Chính điều đó khiến anh hết sức cần đến Thiên Chúa.
Ngài đã nghe tiếng kêu của anh từ xa, từ cuối đền thờ.
Không cần Thiên Chúa và coi thường tha nhân, vẫn là cám dỗ muôn thuở.
Nên thánh không phải là chuyện “tôi làm”
mà là chuyện để Thiên Chúa tự do làm nơi đời tôi.
Chỉ ai nhìn nhận sự yếu đuối của mình,
lời cầu nguyện của người đó mới đánh động được trái tim Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tu-hao-va-khinh-nguoi-30-3-2014-thu-bay-tuan-3-mua-chay--34791