Skip to main content

Chúng tôi đã thấy Chúa (16.04.2023 – Chúa nhật 2 Phục Sinh, Năm A – Lễ Kính lòng Chúa thương xót)

Ðức Giêsu đã cho Tôma được thấy và chạm đến Ngài. Chúng ta cũng phải có khả năng giúp người khác thấy và chạm đến những điều vô hình nhưng có thật.
Chúng tôi đã thấy Chúa (16.04.2023 – Chúa nhật 2 Phục Sinh, Năm A – Lễ Kính lòng Chúa thương xót)
Truyền giáo là làm cho người ta tin, làm cho người ta thấy và chạm đến Thiên Chúa. Nhưng trước hết, mỗi người chúng ta phải nói được rằng: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18).
Bài Ðọc I: Cv 2, 42-47

"Tất cả mọi kẻ tin, đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung".

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người. Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng. Hằng ngày Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 13-15. 22-24
Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở.

Xướng: 1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở".
Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở.

2) Tôi đã bị đẩy, bị xô cho ngã xuống, nhưng Chúa đã phù trợ tôi. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Ðấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân. Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt.
Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.
Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở.


Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 3-9

"Nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống".

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết. Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải sầu khổ một ít lâu giữa trăm chiều thử thách, để đức tin anh em được tôi luyện, nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự khi Ðức Giêsu Kitô hiện đến. Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài; bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.

Ðó là lời Chúa.


Alleluia: Ga 20, 29
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". - Alleluia.


Phúc Âm: Ga 20, 19-31

"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:

Sau khi được phục sinh, Ðức Giêsu được tôn vinh lên làm Chúa,
nhưng Ngài vẫn dễ thương như xưa.
Nỗi bận tâm lớn nhất của Ngài là các môn đệ.
Việc làm quan trọng nhất của Ngài là đi thăm các ông.
Ngài đưa các ông ra khỏi nỗi sợ hãi co quắp,
khỏi căn nhà đóng kín cửa âm u.
Ngài chúc cho họ bình an ba lần (c.19.21.26),
thứ bình an ngay giữa những bất an, dao động.
Ðức Giêsu phục sinh cho họ xem các vết thương.
Thân xác chiến thắng của Ngài
sẽ mãi mãi mang dấu tích của cuộc khổ nạn.
Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa,
vì được Ngài cho tham dự vào cùng một sứ mạng:
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”

Chỉ có một người không vui, đó là ông Tôma.
Ông này vốn có óc thực tiễn (Ga 11,16; 14,5).
Chẳng rõ vì sao ông hụt gặp Ðức Giêsu phục sinh.
Chỉ biết ông đã “không ở với” các môn đệ, lúc Ngài đến.
Có vẻ giữa ông và cả nhóm có cái gì xa cách.
Sự xa cách này trở nên rõ rệt hơn,
khi ông thẳng thắn từ chối tin vào lời chứng của các bạn:
“Chúng tôi đã thấy Chúa.”
Nhưng ông lại rất tin vào chính mình, vào giác quan.
“Nếu tôi không thấy… nếu tôi không xỏ ngón tay…
nếu tôi không thọc bàn tay… tôi sẽ chẳng tin đâu.”
Ông có thái độ như một nhà khoa học thực nghiệm.
Ðức Giêsu phục sinh đến với nhóm, nhưng không quên một ai.
Ngài muốn cho Tôma được toại nguyện.
Tuần sau, khi Tôma ở với nhóm, thì Ngài hiện đến.
Ngài chê ông cứng lòng trước những lời chứng của anh em,
nhưng Ngài vẫn thoả mãn từng điều ông đòi hỏi.
Rốt cuộc Tôma cũng được thấy và tin như anh em.
Ðức tin của chúng ta hôm nay
dựa trên đức tin của những người đã thấy và đã tin,
đã dám hy sinh mạng sống để nói rằng Ngài sống lại.

Quanh chúng ta vẫn có nhiều người giống Tôma.
Họ đòi “thấy và chạm đến” những thực tại vô hình,
như Thiên Chúa, linh hồn, đời sau.
Nếu “thấy và chạm” có nghĩa là “có cảm nghiệm”,
thì đòi hỏi trên thật là chính đáng.
Ðức Giêsu đã cho Tôma được thấy và chạm đến Ngài.
Chúng ta cũng phải có khả năng giúp người khác
thấy và chạm đến những điều vô hình nhưng có thật.
Chúng ta cần sống như người đang thấy Thiên Chúa,
cần thanh thoát như người đã đụng đến trời cao,
cần bay lên khỏi cái nặng nề của thân xác
như người đã cảm được cái nhẹ bổng của linh hồn.

Truyền giáo là làm cho người ta tin,
làm cho người ta thấy và chạm đến Thiên Chúa.
Nhưng trước hết, mỗi người chúng ta phải nói được rằng:
“Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18).
Và tất cả cộng đoàn chúng ta phải nói được rằng:
“Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,25).


Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…

Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chung-toi-da-thay-chua-23-4-2017-%E2%80%93-chua-nhat-2-phuc-sinh-nam-a-%E2%80%93-kinh-long-thuong-xot-cua-chua-29487