Thật phúc cho anh em (15/5/2025 – Thứ Năm tuần 4 Phục sinh)

Bài Ðọc I: Cv 13, 13-25
“Bởi dòng dõi Ðavít, Thiên Chúa đã ban Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Rời Paphô, Phaolô và các bạn vượt biển đến Perghê xứ Pamphylia; còn Gioan từ biệt các ngài, và trở về Giêrusalem. Hai ngài sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Sau khi đọc sách luật và các tiên tri, những thủ lãnh nhà hội đường sai người đến nói với các ngài rằng: “Hỡi anh em, nếu ai trong anh em có lời khuyên bảo dân chúng, xin hãy nói”.
Phaolô đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng và nói: “Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây. Thiên Chúa dân Israel đã chọn Tổ phụ chúng ta, Người đã thăng tiến dân Người khi họ còn cư ngụ trong nước Ai Cập và Người ra tay mạnh mẽ đưa cha ông chúng ta ra khỏi nước ấy. Trong thời gian bốn mươi năm, Người chịu đựng thói xấu họ trong hoang địa; và sau khi đã tiêu diệt bảy dân tộc trong đất Canaan, Người đã cho họ chiếm đất của các dân tộc ấy gần bốn trăm năm mươi năm; và sau đó, Người ban cho họ các thẩm phán cho đến tiên tri Samuel. Kế đó, họ xin một nhà vua và Thiên Chúa cho Saolê, con ông Cis, thuộc chi họ Bengiamin, cai trị họ bốn mươi năm. Sau khi loại bỏ Saolê, Chúa đã đặt Ðavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: “Ta đã gặp được Ðavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”.
“Bởi dòng dõi Ðavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ, Ðấng mà Gioan đã báo trước khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 21-22. 25 và 27
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.
Xướng: 1) Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời; qua mọi thế hệ, miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”, trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín.
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.
2) Ta đã gặp Ðavít là tôi tớ của Ta. Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người.
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.
3) Thành tín và ân sủng của Ta hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Tảng Ðá cứu độ của con”.
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.
Alleluia: Mt 28,19.20
Alleluia, alleluia! - Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 13, 16-20
“Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: “Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Ðấng đã sai Thầy”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Có ai ngờ ba ngày trước khi qua đời,
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi thăm các tù nhân
như ngài đã từng làm nhiều lần trong tư cách giáo hoàng.
Cứ vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngài lại đi rửa chân
cho những tù nhân, những người khuyết tật hay tỵ nạn,
cho cả những phụ nữ và những người không Công giáo.
Vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh ngày 17, tháng 4, năm 2025,
ngài đã đi thăm 70 tù nhân ở nhà tù Regina Coeli gần Rôma.
Ngài chỉ tiếc là trong lần cuối cùng này
ngài không còn đủ sức rửa chân cho họ nữa.
Làm sao một cụ già 88 tuổi, sống nhờ thở oxy liều cao,
có thể làm được chuyện đó?
Dù sao ngài muốn đến với những người đã vấp ngã,
đã có một quá khứ đáng buồn và đang chịu hình phạt.
Ngài muốn cúi xuống chân của họ,
để cho họ thấy rằng họ vẫn có một phẩm giá đáng quý,
phẩm giá của một con người, bất chấp tội của họ.
Cử chỉ rửa chân và hôn chân mang nhiều ý nghĩa.
Nó tượng trưng cho tình thương, sự trân trọng,
và nhất là sự phục vụ khiêm tốn.
“Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14).
Khi cúi xuống rửa chân cho một phụ nữ Hồi giáo,
Đức Phanxicô đã vâng lời Thầy Giêsu
và coi người phụ nữ ấy như chị em trong nhóm của mình.
Chắc chắn Đức Phanxicô đã chiêm niệm nhiều lần
cảnh tượng Thầy Giêsu rửa chân cho các môn đệ.
Điều này đã in nơi ngài một dấu ấn không phai,
và đã định hướng cho toàn bộ cuộc sống của ngài.
Khi nhìn Thầy Giêsu chạm tay vào chân môn đệ
để rửa với sự trân trọng và yêu thương,
chắc Đức Phanxicô đã đọc được thứ ngôn ngữ không lời đó.
Kinh nghiệm được Thầy rửa chân chẳng thể nào quên.
Thầy muốn các môn đệ tiếp tục làm điều Thầy đã làm:
“Thầy đã nêu gương cho anh em,
để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15).
Thầy Giêsu nhắc các môn đệ về vị thế của họ.
Họ là người tôi tớ, người được sai,
còn Thầy là chủ, là người sai họ đi (c. 16).
Nếu Thầy dám cúi xuống, thì trò cũng phải làm.
Bởi đó việc rửa chân cho nhau là một đòi buộc của Thầy (c. 14).
“Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành,
thì thật phúc cho anh em !” (c. 17).
Đức Giêsu đã biến hành vi rửa chân thành mối phúc.
Con người tìm hạnh phúc nơi việc được phục vụ, được tôn vinh.
Còn Thầy Giêsu dạy ta tìm hạnh phúc nơi việc cúi xuống khiêm hạ.
Nhiều kitô hữu đã nếm được thứ hạnh phúc này,
trong đó có Mẹ Têrêsa, cha Đamiêng, Đức Cha Cassaigne…
Họ đã tình nguyện dâng đời mình cho những người cùng khổ.
Hôm nay, Đức Giêsu vẫn hiện diện
nơi những người cần được rửa vết thương,
vết thương thể chất và tinh thần.
Và hôm nay, Ngài vẫn ở nơi những người đang cúi xuống,
âm thầm, nhẹ nhàng, băng bó các vết ở thương của thế giới.
Cầu nguyện:
Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thầy dạy chúng con một bài học rất ấn tượng
khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh. Amen.
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/that-phuc-cho-anh-em-07-5-2020-thu-nam-tuan-4-phuc-sinh--39797